Sơ kết đổi mới hoạt động dạy họctạitrườngTHCSLong Hoà, học kỳ I, năm học 2011-2012.

Thứ ba - 21/02/2012 14:44

7062534.jpg

7062534.jpg
Sơ kết đổi mới hoạt động dạy họctạitrườngTHCSLong Hoà, học kỳ I, năm học 2011-2012.

 dsc00897_500

Bài tham luận của Hiệu trưởng trường THCS Long Hoà 

tại Hội nghị Sơ kết HKI/2011-2012 ngành GD ĐT Dầu Tiếng

Đổi mới hoạt động dạy học ở trường phổ thông là động lực, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của cộng đồng và thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh trở thành những người công dân có năng lực đổi mới, tham gia xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, đổi mới hoạt động dạy học là nội dung quan trọng, liên tục không ngừng nghỉ theo thời gian, là vấn đề luôn đặt ra cho mỗi nhà trường chúng ta phải tìm tòi, sáng tạo các giải pháp đổi mới để phát triển.

1. Đổi mới hoạt động dạy học bắt đầu từ việc tăng cuờng sự phát triển chuyên môn cho giáo viên. Năng lực chuyên môn của người giáo viên được phát triển bằng chính sự nổ lực học tập có mục đích của họ. Mục đích này phản ánh định hướng phát triển của trường và phát triển nghề nghiệp của giáo viên theo chuẩn. Người giáo viên cần được thông đạt mục tiêu trước mắt và viễn cảnh phát triển nhà trường ở tương lai. Những vấn đề chia sẻ đại loại như là: trong năm nay nhà trường cần đạt  những gì, năm sau quy mô trường tăng lên bao nhiêu, năm năm sau nữa sẽ tiến đến tầm mức nào,v.v.., Qua đó, bản thân của người giáo viên tự nhận thấy giá trị của tự học, trau dồi nghề nghiệp để thích ứng cho sự sống và làm việc trong trường của mình. Một công cụ đắc lực để người giáo viên đo lường, đối chiếu năng lực hành nghề của mình là Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Mục đích đặc biệt quan trọng của Chuẩn là tạo ra động cơ tự đánh giá để người giáo viên có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của bản thân. Ngoài ra, cạnh tranh nghề nghiệp, cạnh tranh thương hiệu cũng có tác dụng thúc đẩy sự thăng tiến của cá nhân và tập thể, nhà trường cần chú ý vận dụng mặt tích cực, lành mạnh của cạnh tranh.

Bồi dưỡng, giúp đỡ giáo viên phát triển chuyên môn là mục tiêu quan trọng của nhà trường. Kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên hàng năm của trường tập trung vào sáu biện pháp sau:

- Dự giờ, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm dạy học.

- Cải tiến sinh hoạt tổ chuyên môn

- Triển khai các chuyên đề chuyên môn được Sở, Phòng GDĐT tập huấn.

- Tổ chức hội giảng, hội thi giáo viên giỏi.

- Phổ biến sáng kiến kinh nghiệm.

- Giúp đỡ giáo viên tự học.

Các biện pháp nêu ra không phải là mới, nhưng nội dung và cách thức tiến hành cần chủ động, cải tiến cho phù hợp với yêu cầu thực tế thay đổi và tăng tính hiệu quả của nó.

Việc dự giờ, thăm lớp của Ban giám hiệu là hết sức quan trọng trong công tác quản lý và xây dựng đội ngũ. Dự giờ, trao đổi về tiết dạy là hoạt động hiệu quả nhất để giúp giáo viên nâng cao tay nghề, bởi tính thực tế, sinh động, cá biệt về năng lực của một giáo viên đã trình diễn, cũng như người dự đã trực tiếp góp ý, tư vấn nghề nghiệp và truyền đạt những mong đợi về phát triển chuyên môn đối với họ. Cho dù công việc khác bề bộn, nhưng ban giám hiệu cũng tranh thủ sắp xếp dành thời gian cho dự giờ, thăm lớp hàng tuần, thông báo ở lịch làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưỏng.

Chúng tôi duy trì tổ chức thao giảng trong tổ, trong trường, tham dự các giờ thao giảng của tổ bộ môn của huyện tổ chức nhằm tạo điều kiện tốt giáo viên học hỏi, nâng cao tay nghề. Phạm vi tổ chức thao giảng càng rộng thì hiệu quả bồi dưỡng càng cao, giáo viên có điều kiện giao lưu, mở rộng không gian tri thức, tiếp cận những sáng kiến mới trong hoạt động day học.

2. Áp dụng có hiệu quả phương pháp dạy học.

Về các phương pháp dạy học, chúng tôi không quan tâm phân biệt phương pháp nào là mới, phương pháp nào là truyền thống, mà chúng tôi xem đó là một tập hợp các phương pháp dạy học ngày càng phong phú hơn, tích cực hơn do được bổ sung thêm các phương pháp mới, cách thức mới. Vấn đề cần quan tâm là áp dụng các phương pháp dạy học sao cho đạt hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, người giáo viên phải: một là lựa chọn được tổ hợp các phưong pháp thích hợp, hai là khi sử dụng phương pháp đó phải thành thạo kỹ thuật dạy học đặc trưng của nó.

Phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi người giáo viên có am hiểu chuyên môn sâu rộng, trình độ sư phạm cao, ứng xử tình huống sư phạm tinh tế và phải chịu khó trong soạn giảng, vì vậy, nhất thời, chúng ta chưa đạt được hiệu quả một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, qua thực tế dạy học tại trường, một số phương pháp dạy học tích cực đang phát huy tốt tác dụng, như dạy học hoạt động nhóm, dạy học trực quan với sự hổ trợ của CNTT, dạy học bằng bản đồ tư duy. Dạy học bằng bản đồ tư duy mới được triển khai trong nhà trường đầu năm học này nhưng đã được giáo viên, học sinh sử dụng rộng rải, học sinh hào hứng tạo ra sản phẩm tư duy của mình, đã làm thay đổi phần nào cách học của học sinh theo hướng chủ động, sáng tạo, tự chiếm lĩnh kiến thức. Tuần lễ thứ 25 vừa qua, trường chúng tôi tổ chức thi vẽ bản đồ tư duy cho tất cả 590 học sinh, đã chấm điểm, lựa chọn những tác phẩm tốt để trưng bày, chuẩn bị cho hội thảo chuyên đề chuyên môn được tổ chức tại trường vào tháng 3 tới.

Riêng về dạy học ứng dụng CNTT, nhà trường thống nhất chỉ tiêu thi đua mỗi giáo viên dạy có ứng dụng CNTT tối thiểu 10 tiết/HK, kết quả trong HKI vừa qua có gần 1/3 số giáo viên hoàn thành chỉ tiêu này. Thư viện bài giảng điện tử của trường  được GV đóng góp 55 bài.  Dạy học với bài giảng điện tử đựơc tiến hành trong dạy học hàng ngày tại trường ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Bài giảng điện tử với kịch bản sư phạm được dàn dựng công phu, với ưu thế nổi bật của nó làm sống động, tăng hiệu quả tiến trình dạy học, Tuy vậy, cũng cần xác định lại là không phải với bất cứ chủ đề dạy học nào cũng cần đến bài giảng điện tử. Khi có ý tưởng thiết kế bài giảng điện tử, GV nên tư đặt ra câu hỏi: liệu việc sử dụng bài giảng điện tử như thế có tốt hơn các phương tiện dạy học khác hay không để có sự chọn lựa cho phù hợp.

2.Tích cực hoá hoạt động học của học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy học chung ta thường đặt nặng về đổi mới phương pháp giảng dạy của GV như: việc soạn bài, tổ chức kiểm tra, dạy trình chiếu, sử dụng thiết bị, ...; nhiều khi chưa chú trọng đúng mức về phương pháp học của học sinh. Hoạt động học của HS ngoài tính tương tác với hoạt động dạy của GV, còn có tính độc lập của nó. áo thể nói, chính người giáo viên cũng  tham gia hoạt động học trong khi giảng dạy.

Qua sơ kết học kỳ 1 của năm học và nhìn lại kết quả mấy năm học gần đây của trường  đã có những chuyển biến tích cực về chất; tỉ lệ chất lượng học sinh có nâng lên rõ rệt qua từng năm, đạt tiêu chuẩn chất lượng trường chuẩn 59% HS khá giỏi, dưới 5% HS yếu kém, 99% HS có hạnh kiểm khá tốt. Kết quả chất lượng khả quan mà nhà trường đạt được thật sự có ý nghĩa, bước đầu đã tạo được lòng tin nơi phụ huynh. Nhưng, kết quả phong trào HS giỏi còn khiêm tốn. Qua những cuộc thi học sinh giỏi với kết quả không đạt, chúng tôi luôn tự hỏi tại sao chúng tôi phải chịu thất bại trắng tay. Trong khi đó, chúng tôi cũng cố gắng hết sức, giáo viên dạy nhiệt tình, nhà trường tập trung mọi ưu tiên cho phong trào đào tạo học sinh giỏi.

Từ thực tế của sự thành công và thất bại, chúng tôi phân tích , tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ. Có nguyên nhân từ phía giáo viên và có nguyên nhân từ phía học sinh; trong đó nguyên nhân chính là người giáo viên chưa tổ chức, hướng dẫn tốt cho học sinh tự học.  

Để nâng cao  chất lượng, giải pháp quan trọng cho nhiều năm tới, chúng tôi xác định phải chú trọng tổ chức, hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh. Trong đó, vai trò của tự học cần được đẩy mạnh.

Mọi đối tượng học sinh đều phải tự học từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau như: sách, báo, Internet và các phương tiện truyền thông khác, học ở hỏi thầy cô. nhóm bạn,...trong đó sách là nguồn cung cấp chính.

Học sinh giỏi chuẩn bị vào các cuộc thi danh giá tích cực đọc, nghiên cứu sách, tài liệu nâng cao, có nhiều cơ hội đạt giải.

Học sinh trung bình đọc sách, làm việc với sách một cách say mê, nhất định sẽ trở thành HS khá giỏi.

Thầy cô phải nêu gương tự học. Thầy cô hướng dẫn cho học sinh biết cách tự học, tạo niềm cảm hứng trong tự học

Thư viện trường phải tăng cường sách luyện tập, sách nâng cao, sách bổ sung kiến thức, mở cửa phục vụ nhiều giờ, tốt hơn. Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi phải lựa chọn sách hay để mua cho trường, cho học sinh.

3. Tổ chức dạy học ngoại khoá vừa sức cho học sinh.

Nhờ có CSVC đầy đủ, trường THCS Long Hoà thực hiện mô hình học 2 buổi/ngày từ ba năm nay. Buổi sáng, dạy học chính khóa theo nội dung chương trình quy định; buổi chiều, dạy học ngoại khóa tăng tiết cho các môn mà học sinh thường gặp khó khăn trong tự học.

Dạy học chính khoá, thực hiện theo đúng tiến độ phân phối chương trình, nội dung giảm tải được cấp trên quy định. Giáo viên có thể linh hoạt về phân phối thời gian cho một đơn vị kiến thức, nhưng phải bảo đảm phân phối chương trình khung của Bộ GD-ĐT. 

Dạy học ngoại khóa gồm các môn: toán, văn, tiếng anh, lý, hoá. Nội dung, dạy học được soạn giảng trên cơ sở vừa sức, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và được nhà trường phê duyệt. Tuỳ theo trình độ, kỹ năng của đối tượng học sinh trong lớp mà giáo viên đưa ra lượng kiến thức dạy học phù hợp; giúp cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và tự mình làm được các bài tập ứng dụng. Phương pháp dạy học ngoại khoá chú trọng đàm thoại, giao tiếp giữa thầy và trò, phải tạo được không khí thân thiện, sâu sát, kèm cặp từng em, giúp từng em vượt qua những khó khăn tại lớp. Có thể xem dạy học ngoại khoá cho đối tượng học sinh trung bình, yếu là thực hiện chủ đề bám sát, nội dung có dạng: ôn luyện kiến thức trọng tâm, hướng dẫn học sinh giải quyết hầu hết các dạng bài tập ở sách giáo khoa, sách bài tập. Với đối tượng học sinh khá giỏi thì dạy học vừa bám sát, vừa nâng cao; nghĩa là cũng phải thông qua tất cả các nội dung từ dễ rồi mới đến khó. Tuy nhiên, học sinh khá giỏi tiếp thu bài nhanh hơn học sinh trung bình, nên có thời gian nghiên cứu thêm các nội dung nâng cao. Thực tế này, đã phát sinh một nhu cầu là cần tách số học sinh khá giỏi ra dạy học riêng nhằm phát huy hiệu quả dạy học ngoại khoá.

Đáp ứng nhu cầu dạy học ngoại khoá vừa sức cho từng đối tượng học sinh, nhà trường biên chế tăng thêm 1 lớp chọn cho mỗi khối. Mỗi lớp chọn trung bình khoảng 25 em học sinh khá, giỏi được rút ra từ các lớp chinh khoá. Số học sinh còn lại trong mỗi lớp giảm xuống còn bình quân khoảng 27 em và được giữ nguyên. Như vậy, buổi chiều, mỗi khối đã tăng thêm 1 lớp chọn và cả trường tăng thêm 4 lớp so với buổi sáng. Sự tăng lớp này dẫn đến số tiết dạy ngoại khoá của giáo viên tăng thêm 25%, trong khi tiền thu không tăng, dẫn đến đơn giá giờ dạy cũng tương ứng bị giảm so với cái giá mà người giáo viên của chúng ta có thể có. Đó là một sự chọn lựa mà chúng tôi phải chấp nhận vì học sinh, đề cao phương châm: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", nghĩa là trong trường học thì hiệu quả giáo dục là trên hết, mọi cái đều phải phục tòng cái bất biến đó. Và vấn đề làm thế nào để người giáo viên thông hiểu, tích cực tham gia dạy tốt là việc của lãnh đạo nhà trường phải giải quyết cho hài hoà.

Đề cập đến việc biên chế lớp chọn, lớp tạo nguồn ở bậc THCS, có một vấn đề nảy sinh là: nên chăng ở mỗi trường, cần biên chế lớp phân hoá trình độ đối tượng học sinh, có lớp tạo nguồn theo cách làm của các trường học chất lượng cao, và theo xu thế thành lập trường tạo nguồnn lớp tạo nguồn của ngành hay không? Vấn đề này là một nội dung đổi mới chúng tôi cần phân tích từng khía cạnh ưu điểm, nhược điểm, từ nhu cầu thực tế của đơn vị.

                                                x  x  x

Sơ kết học kỳ I, với kết quả về chất của nhà trường, của ngành GD huyện nhà đang khởi sắc, tuy chưa đạt kỳ vọng của chúng ta nhưng cũng phần nào giảm bớt áp lực, thêm niềm tin để chúng ta nổ lực vượt lên trong học kỳ II. Trên tinh thần đó, chúng tôi mạnh dạn trình bày một số việc đã làm, đề xuất một số ý kiến về đổi mới hoạt động dạy học trước Hội nghị. Đổi mới hoạt động dạy học là chủ đề lớn, có ý quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành, hơn nữa, mỗi cấp học có điểm khác nhau, mỗi trường có thuận lợi, khó khăn riêng, cho nên bài tham luận này không tránh khỏi sự phiến diện và mang tính đặc thù. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi mong muốn cùng đóng góp chút ít kinh nghiệm của đơn vị để Hội nghị tham khảo và góp ý cho chúng tôi, để chúng ta cùng nhau hoàn thành thật tốt nhiệm vụ năm học này./.

                                                             Dầu Tiếng, ngày 21/02/2012

                                                                    PHẠM VĂN HOÀNG

Tác giả: Nguyễn Thị Bình

  Ý kiến bạn đọc

Video Clips
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay813
  • Tháng hiện tại15,258
  • Tổng lượt truy cập2,858,749
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

702/SGDĐT-GDTrHTX

Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.

Ngày ban hành: 02/04/2024

KH số 37/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 21/06/2024. Trích yếu: Tuyển sinh MN

Ngày ban hành: 21/06/2024

QĐ số 66/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS

Ngày ban hành: 12/06/2024

QĐ số 65/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: công nhận BDTX MN

Ngày ban hành: 12/06/2024

CV số 112/PGDĐT-GDTH

Ngày ban hành: 03/06/2024. Trích yếu: Tổ chức giữ trẻ ...

Ngày ban hành: 03/06/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây