Tôi đã ngồi lại với em trên vỉa hè và hỏi chuyện. Em không ngần ngại chia sẻ về cuộc đời mình - về sự rạn nứt tình cảm giữa cha mẹ đã dẫn đến sự đổ vỡ của một mái ấm gia đình, khiến em ôm hận trong lòng về sự hờ hững và ích kỷ của người lớn, để rồi bỏ nhà lang thang, sớm bước vào đời...
Tôi lại nhớ đến ca khúc ấy, ca khúc như lời tâm tình của một cô bé trong một gia đình tan vỡ, khao khát giấc mơ về một mái ấm sum vầy cùng mẹ cha... Sao mà giống với câu chuyện của cậu bé đánh giày trên phố:
“Tình yêu như truyện cổ tích
Cha đã lâu lắm không xem
Tình yêu như người bạn cũ
Mẹ đã lâu lắm không gặp
Một ô cửa trắng
Một cô bé giấu những giọt lệ
giữa những vì sao rơi ngoài song
Trong một đêm lấp lánh ánh trăng…”
Những ca khúc của Trần Lê Quỳnh, từ những bài hát mộc mạc đầu tiên như Chân tình cho đến những ca khúc đầy cảm xúc và tinh tế như Tuyết rơi mùa hè, Cô gái đến từ hôm qua đều mang một âm hưởng buồn và tiếc nuối, ám ảnh người nghe... Màu trắng cũng vậy, tràn ngập tiếc nuối trong lòng cô bé về những tháng ngày ấm êm và hạnh phúc đã vụt xa như gió thoảng trong một căn nhà mà "tình yêu" - sợi dây gắn kết những trái tim đã trở thành một điều xưa cũ cho bụi thời gian phủ mờ...
"Truyện cổ tích", "người bạn cũ" - đều là những thứ xưa cũ mà người lớn - những bậc cha mẹ có thể dễ dàng bỏ qua, "không xem" và "không gặp" trong nhịp sống hối hả bận rộn. Họ quên mất rằng, truyện cổ tích chính là nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn và gieo những ước mơ đẹp trong lòng con trẻ.
Bởi sự quên đó, sự ích kỷ khi chạy theo những bận rộn, những mục đích của riêng mình mà quên lắng nghe, chia sẻ với con trẻ, mới có sự lạnh lùng và hờ hững trong những ca từ mở đầu bài hát, mới có bức tranh lầm lụi đơn côi bên ô cửa trắng cùng những giọt lệ ngậm ngùi tủi thân của một tâm hồn thiên thần thánh thiện sớm bị tổn thương bởi sự vô tâm của người lớn...
Bên ngoài ô cửa sổ kia là cả một không gian thần tiên như trong truyện cổ tích – với “những vì sao rơi ngoài song” và “ánh trăng” trải vàng “lấp lánh”… Còn bên trong ô cửa là sự cô đơn, lầm lụi một cô bé giữa một đêm vắng, trong ngôi nhà vắng cùng những hiện thực của sự chia lìa:
“Đằng sau từng lời hờ hững
Là tháng năm sắp qua rồi
Đằng sau nụ cười hạnh phúc
Là tiếng khóc lúc không người
Một ngôi nhà vắng
Một đêm trắng như những nỗi buồn trong đêm mùa đông
Hay màu hoa
Đang chờ lúc xuân sang thức dậy”
Ẩn đằng sau những câu hát là tâm trạng buồn vui lẫn lộn của cô bé, khi quá khứ và thực tại cứ chênh vênh, đan cài, chập chờn vây quanh em như ảo ảnh...
Những tháng ngày bình yên, hạnh phúc tựa như nước, đã trôi đi, luồn qua kẽ tay em mà tan biến tựa một hơi thở nhẹ tênh, để lại thực tại là đôi bàn tay gầy cô đơn cùng nỗi đau em cố kìm nén trước mọi người, trước cuộc đời. Khi chỉ còn một mình, em không thể dối lòng nữa, đã bật lên tiếng khóc, vỡ òa và nấc nghẹn nơi ngôi nhà vắng lạnh - lạnh không chỉ bởi không gian của một "đêm mùa đông" buồn se sắt, mà lạnh bởi chính lòng người "hờ hững", thiếu hơi ấm tình thương của sự đùm bọc, chở che...
Nỗi buồn dai dẳng, nỗi buồn vây bám và dường như không hề biết mệt mỏi hay buồn ngủ, mà sẵn sàng thức đêm cùng cô bé, gõ vào tim cô để có những giọt nước mằn mặn, lấp lánh lăn thành vệt dài trên mi từ đôi mắt của một tâm hồn thơ dại… Chỉ khi dường như đã khóc hết nước mắt, mệt mỏi khi giấc ngủ ùa về, giấc mơ của em mới hiện hình rõ nét trong từng khuông nhạc thấm đẫm sự đồng cảm và xót xa:
“Rồi giấc ngủ đến cô bé mơ mình là én bay trong sương mờ
Băng qua đại dương, bay đến những thiên hà xa lắm
Để cho màu trắng
Như giấc mơ dịu dàng sẽ ở lại trong tim
Và trên mái nhà
Đàn chim én về cùng mùa xuân…”
Giấc mơ nhuốm sắc màu của cổ tích, ấp ủ về một sự cất cánh bay lên, qua "sương mờ" và "đại dương" mênh mông đầy sóng gió, thoát khỏi nỗi buồn và hiện thực chia ly vây bám để hạ cánh ở một thiên hà bình yên - nơi có sự sum vầy yêu thương.
Và "màu trắng" - biểu tượng của sự lạnh lùng hờ hững vẫn ám ảnh em (từ ô cửa đến không gian của đêm đều nhuốm màu trắng) khi đó sẽ không còn, chỉ là một "giấc mơ dịu dàng" ngủ lại nơi tim - nhường chỗ cho "đàn chim én về cùng mùa xuân" "trên mái nhà" ngập tràn và lan tỏa hơi ấm của tình yêu.
Ca khúc khép lại ở giấc mơ bình dị đó. Liệu giấc mơ ấy có thể thành hiện thực với cô bé cô đơn tội nghiệp kia? Hay giấc mơ sẽ vẫn chỉ là giấc mơ - xa vời và không thể?
Nghe “Màu trắng” của Trần Lê Quỳnh, tôi lại nhớ đến câu chuyện cổ tích “Cô bé bán diêm” của Andecxen, khi nhân vật của hai tác phẩm này đều là một cô bé chìm trong không gian của một đêm mùa đông lạnh với ước mơ cháy bỏng về một mái ấm sum vầy của tình yêu thương.
Rồi sau này khi chúng ta làm mẹ làm cha, liệu chúng ta có coi tình yêu "như truyện cổ tích" - "lâu lắm không xem"; "như người bạn cũ" - "lâu lắm không gặp" mà gieo vào lòng con trẻ giấc mơ ám ảnh về một "màu trắng" hờ hững, lạnh lùng? Tôi tin chắc mình sẽ không ích kỷ như thế - vì Màu trắng sẽ luôn nhắc tôi về sự cần thiết của một "mái nhà" có "đàn chim én về cùng mùa xuân" cho những tâm hồn trẻ thơ.
ĐÌNH KHOA
Sáng tác: Trần Lê Quỳnh
Ca sĩ: Ngọc Liên
Tình yêu như chuyện cổ tích
Cha đã lâu lắm không xem
Tình yêu như người bạn cũ
Mẹ đã lâu lắm không gặp
Một ô cửa trắng
Một cô bé giấu những giọt lệ giữa những vì sao rơi ngoài song
Trong một đêm lấp lánh ánh trăng
Đằng sau từng lời hờ hững
Là tháng năm sắp qua rồi
Đằng sau nụ cười hạnh phúc
Là tiếng khóc lúc không người
Một ngôi nhà vắng
Một đêm trắng như những nỗi buồn trong đêm mùa đông
Hay màu hoa đang chờ lúc xuân sang thức dậy
Rồi giấc ngủ đến cô bé mơ mình là én bay trong sương mờ
Băng qua đại dương
Bay đến những thiên hà xa lắm
Để cho màu trắng
Như giấc mơ dịu dàng sẽ ở lại trong tim
Và trên mái nhà
Đàn chim én về cùng mùa xuân.