NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)

Thứ bảy - 06/04/2013 15:17

9102118.jpg

9102118.jpg
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)

download_1

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)

 

 

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuổi niên thiếu, từ 12 đến 19 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu sống và học tập ở Huế. Nhưng năm 21 tuổi (1843), ông lại thi và đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Chưa kịp thi thì được tin mẹ mất. Trên đường về chịu tang, vì quá buồn lo khóc thương mẹ, ông lâm bệnh và bị mù cả hai mắt.

Về lại Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu chuyển sang học thuốc, chữa bệnh cho dân, mở trường dạy học, vừa sáng tác thơ văn. Truyện Lục Vân Tiên mà nhiều nhà nghiên cứu cho là có mang tính chất tự truyện đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở Nam Kỳ. Truyện lên án bọn người độc ác, xấu xa, tráo trở, gian manh, bất nhân, bất nghĩa, đồng thời ngợi ca những tấm lòng nhân hậu, thủy chung. Tác phẩm Dương Từ, Hà Mậu(1) dài 3.448 câu thơ kịch liệt công kích đạo Phật, đạo Thiến Chúa lúc bấy giờ như một mối nguy cơ cho đất nước. Dựa vào trí tưởng tượng nhân gian (thiên đường, địa ngục), tác giả để cho nhân vật tự “giải mê" qua cuộc hành trình dài đi tìm chân lý đầy gian khổ, rồi trở về trong sự hòa hợp của gia đình, làng nước.

Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Đ?nh. Nhà thơ lánh về quê vợ ở Cần Giuộc (Long An). Âm vang của trận công đồn diệt bọn “Tây dương” tại nơi đây đã gợi lên cảm hứng để ông viết áng văn bất hủ ngợi ca những người nông dân chân đất anh hùng xả thân vì sự nghiệp cứu nước: Văn tế nghĩa dân chết trận Cần GiuộcNăm 1861, giặc Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, Gò Công, Định Tường, ông phải “tị địa” về Ba Tri, Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn cho đến cuối đời.

Vì mù, không thể cầm gươm, cầm giáo được, ông đánh giặc bằng ngòi bút. Ông trao đổi thư từ với Trương Định, liên hệ với nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ như Nguyễn Thông, Phan Văn Trị... Tuy không sinh ra ở đất Bến Tre, nhưng hơn một phần tư thế kỷ sống và lao động nghệ thuật cần mẫn, cứu người giúp đời, gắn bó chặt chẽ với nhân dân Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu có một uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong đồng bào Bến Tre về phương diện nhân cách, tư tưởng, văn chương.

Ông là người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước Việt Nam chống Pháp xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn ông gắn chặt với những biến cố lớn lao của đất nước lúc bấy giờ. Đó là Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc (1861), Cáo thị, Thảo thử hịch, Thư gửi cho em, Mười hai bài thơ điều Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874) và hai tập truyện thơ dài Dương Từ, Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp.

Cảm hứng chủ đạo của thơ văn ông ở giai đoạn đầu là cảm hứng đạo lý và yếu tố này đã được nâng lên thành trữ tình đạo lý đầy nhân nghĩa, thảo ngay, đồng thời cũng giàu chất phê phán, phẫn nộ trước mọi điều bất nhân, bất nghĩa như ông đã tự bạch: "Nói ra thì nước mắt trào, Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi".

Những tác phẩm ở giai đoạn sau - thời kỳ đất nước bị xâm lăng - của ông là "những trang bất hủ ngợi ca cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta” (Phạm Văn Đồng). Người nghĩa dân, nghĩa sĩ chống Pháp và người sĩ phu “theo bụng dân” chiến đấu cho đại cuộc của dân tộc là những hình ảnh sáng chói trong thơ văn ông. Nói một cách khác, Nguyễn Đình Chiểu đã phản ánh được vấn đề cơ bản nhất của xã hội Việt Nam đương thời.

Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại, thể tài, trong đó thành công nghệ thuật nổi bật nhất là truyện thơ Nôm và văn tế Nôm. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động trong nhiều thể loại, khiến chơ ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược.

Đối với Bến Tre nói riêng, như trên đã từng nhắc đến, Nguyễn Đình Chiểu đã có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, cũng chính vùng đất giàu truyền thống yêu nước, bất khuất này – nơi ông đã gắn bó một phần tư thế kỷ đầy biến động – đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc thêm tài năng nghệ thuật của một nhà thơ lớn.

Đã có không ít giai thoại lưu truyền ở vùng này về lối sống, cách đối nhân xử thế, về thái độ của ông đối với kẻ thù dân tộc, về việc truyền thụ kiến thức, đạo đức cho học trò, về việc thẳng thừng chối từ những bổng lộc mà người Pháp muốn ban phát cho ông, mà trong thực tế là để mua chuộc ông. Nếu “văn tức là người", thì ở Nguyễn Đình Chiểu điều đó hoàn toàn nhất quán, do vậy lòng yêu kính nhà thơ càng nồng đượm hơn. Đồng bào Ba Tri thường nhắc: ngày đưa Nguyễn Đình Chiểu về nơi an nghỉ cuối cùng có đông đảo nhân dân quanh vùng, có những bạn bè, học trò, thân chủ được ông chữa khỏi bệnh, những người mến mộ tài đức ông... đều có mặt. Hôm ấy, cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang.

Chú thích

 (1) Ty Văn hoá - Thông tin Long An, 1982

Tác giả: Nguyễn Thị Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Clips
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,522
  • Tháng hiện tại27,628
  • Tổng lượt truy cập2,503,109
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

KH số 14/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 13/03/2024. Trích yếu: Phổ biến GDPL năm 2024

Ngày ban hành: 13/03/2024

KH số 12/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/03/2024. Trích yếu: thực hiện PC tội phạm, TNXH...

Ngày ban hành: 12/03/2024

CV số 44/PGDĐT-THCS

Ngày ban hành: 12/03/2024. Trích yếu: Dạy thêm, học thêm...

Ngày ban hành: 12/03/2024

CV số 36/PGDĐ

Ngày ban hành: 01/03/2024. Trích yếu: Đánh giá Thư viện

Ngày ban hành: 01/03/2024

CV số 35/PGDĐT

Ngày ban hành: 01/03/2024. Trích yếu: Cuộc thi trực tuyến

Ngày ban hành: 01/03/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây