Chông chênh....

Thứ hai - 02/01/2012 19:29
Chông chênh....

      Trưa thứ bảy...buổi trưa cuối tuần với bao dự định sẽ đánh một giấc thưởng cho mình thời gian nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả. Tâm trạng vui vui tôi chạy xe về nhà. Vừa quẹo cua, từ xa tôi nhìn thấy gã đàn ông chăm chú nhìn mình. Hơi lạ, nhưng tôi nghĩ chuyện nhìn là thường tình... kệ người ta.

      Vừa chạy xe vào ngõ nhà, gã đàn ông cứ nhìn theo. Dựng chống xe, tôi nhìn ra ngõ, gã nhìn tôi và hỏi:
   - Cô có phải là cô L không?
Thoáng trong tôi ý nghĩ: " Có lẽ là phụ huynh học sinh gặp mình" , tôi lịch sự trả lời:
   - Dạ phải, có gì không anh?
Gã đàn ông mỉm cười vừa dắt xe vào ngõ vừa nói:
   - Cô không nhận ra em sao? Em là học trò cũ của cô nè!
Tôi ngơ ngác vì không thể nhận ra nổi trước mặt mình là học trò bởi hắn già hơn cả tôi, mái tóc có vài cọng bạc trên cái đầu hơi hói. Lạ quá nhưng tôi vẫn mời gã vào nhà. Con bé mở cửa và chào khách. Dắt xe vào nhà, tôi bật quạt và lấy ghế mời gã ngồi. Nhà tôi tuềnh toàng quá, chả có nổi bộ bàn ghế cho ra hồn để mời khách. Gã ngồi trước mặt tôi, đôi bàn tay cứ xoa vào nhau.Nhìn gã tôi không thể nhận ra nét nào của người học trò năm xưa. Con bé rót nước mời khách rồi đi vào nhà. Gã nhìn theo và hỏi tôi về gia đình. Thật lòng mà nói, tôi vốn là người dở giao tiếp, vốn ít nói nên tôi cũng chỉ nói những công việc hiện tại. Tôi hỏi gã về cuộc sống và công việc. Như được trút cả nỗi niềm, gã nói liên tục về hoàn cảnh khốn khó của mình: Nào là gã thành đạt sau ba năm làm việc ở công ty gỗ, rồi mở công ty riêng buôn bán gỗ thành công, rồi bị bắt vì buôn bán với đường dây buôn gỗ lậu, rồi bị đi tù ...Gã mới ra tù do được ân xá. Vừa kể, gã vừa đưa tay chùi nước mắt..

 

      Nhìn một người đàn ông phải rơi nước mắt vì hoàn cảnh éo le, vợ con bỏ đi theo người khác, nhà cửa tan nát, không có ai nhận vào làm việc vì lí lịch từng đi tù....Tôi nghe lòng mình quặn đau. Đã biết bao học trò về thăm mình, gần như đứa trẻ nào năm xưa trở về tôi cũng nhận ra. Thậm chí có đứa sau 23 năm xa cách, từ phương trời xa, chỉ nghe cái tên tôi đã mường tượng được khuôn mặt hồi bé thơ. Nhưng đó là những học trò thành đạt, có lẽ không bươn chãi, vất vả nên nét mặt cũng không mấy đổi thay nên tôi nhận ra chăng? Còn trước mặt tôi, đứa học trò đang gặp khốn khó lại có chín năm trong tù nên cằn cỗi, già hơn cả tôi...Xót xa vì thấy học trò cũ sa cơ lỡ vận, mắt tôi cay xè....

     Gã nói sẽ đi sang Lào làm việc với người quen nhưng không có tiền xe. Bạn bè đã giúp cho mượn được một ít. Nghe gã nói thiếu tiền, tôi đang khó khăn nhưng cũng đưa cho học trò chút ít tiền để phụ vào tiền xe qua Lào kiếm việc làm. Chia tay, gã bịn rịn chùi nước mắt, lòng tôi xốn xang áy náy vì mình không giúp được nhiều cho học trò...Nước mắt còn viền mi, tôi bước vào phòng thay bộ áo dài đang mặc. Con bé nói:
   - Mẹ bị lừa rồi đó!
Tôi nhìn bé và nói:
   -Kệ,nếu bị lừa cũng được còn hơn là mẹ áy náy khi nghe học trò khổ mà không giúp.
   - Không, con không nói về tiền mà con nói nếu như không có con ở nhà họ đánh mẹ và lấy xe và đồ đạc trong nhà thì sao?
Tôi rùng mình khi nghĩ về gã đàn ông lúc nãy. Gã to như vậy thì chỉ cần một cái đấm tôi đã lăn quay dưới đất. Cái điều con bé nói khiến tôi băn khoăn mãi. Trưa không ngủ, tôi nhớ lại những lời gã kể . Nhưng nếu lừa thì sao có cả chuyện vợ chồng con cái của Thúy- một người bạn cùng lớp với gã- về thăm tôi hôm rồi. Song càng nhớ lại những điều gã kể , về tuổi mà gã nói, tôi ngờ ngợ dường như là mình bị lừa. Chợt nhớ hôm tụi nhỏ về thăm có cho số điện thoại, tôi gọi hỏi số điện thoại của Thúy. Nhận điện thoại của tôi là chồng Thúy- cũng là học trò năm xưa. Những lời Thanh nói làm tôi lạnh cả người: tôi đã bị lừa vì trong lớp Thúy không có bạn nào tên Minh. Tôi nhớ lời con bé nói, nhớ cái dáng to đậm người của gã mà nghe sợ vô cùng.

      Tôi không tiếc số tiền mình cho gã nhưng cảm giác sợ sệt khi về nhà cứ dâng lên trong tôi. Ở một mình, lỡ như bị đánh nằm chết giấc thì lại làm khổ con lo lắng. Cả tuần sau, đi dạy xong tôi không muốn về nhà vì sợ. Về đến nhà, nhìn trước nhìn sau rồi vội vã khóa cửa. Con bé biết mẹ sợ đòi ở nhà với mẹ nhưng sao được, không lẽ bỏ học vì mẹ sao? Tôi cố kìm cơn sợ để con yên tâm đi học. Những đêm liền mất ngủ vì lời dặn cảnh giác của con. Cuộc đời nhà giáo nghèo vật chất chỉ giàu tình cảm, vậy mà bây giờ vì cảnh giác tôi đành phải khóa luôn lòng mình không dám tiếp người lạ dù đó là học trò hay phụ huynh. Làm sao nhớ hết được mặt học trò hay phụ huynh sau bao nhiêu năm đưa đò? Trời ơi! Sao người ta nỡ lấy tình thầy trò để lừa nhau? Sao nỡ làm mất đi niềm tin ? Lòng tôi chông chênh quá....

Tác giả: Võ Thị Ngọc Liên

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Clips
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay514
  • Tháng hiện tại35,105
  • Tổng lượt truy cập2,541,859
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

CV số 77/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: bảo đảm an toàn thông tin...

Ngày ban hành: 24/04/2024

KHPH số 109/KHPH-CAH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: kế hoạch phối hợp ...

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 75/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc TP

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 24/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 23/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện CT 31

Ngày ban hành: 24/04/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây