Áo anh sứt chỉ đường tà

Chủ nhật - 30/10/2011 21:46

6485536.jpg

6485536.jpg
Áo anh sứt chỉ đường tà

  "Màu tím hoa sim", bài thơ đau thương nhất thế kỷ !

 


                                    (Nhà thơ Hữu Loan)         

         Một buổi chiều cuối tháng giêng. Cùng với vài người bạn, chúng tôi  trở lại quê nhà. Trong ánh nắng đượm vàng cuối ngày, bất chợt, tôi nghe lại bài thơ "Màu tím hoa sim" của thi sĩ Hữu Loan. Với giọng khàn đục của một người đàn ông từng trải, bài thơ được đọc lên chậm rãi
:

"Nàng có ba người anh đi bộ đội

Những đứa em nàng
            Có em chưa biết nói ..."

Mọi người ngồi hôm ấy đều ngồi trầm ngâm, xúc động.

Lâu lắm rồi, hơn 60 năm, kể từ ngày người vợ bé bỏng chiều quê của thi sĩ miền Nga Sơn - Thanh Hoá ra đi mãi mãi, dể lại nỗi thương đau tận cùng của một cuộc tình định mệnh và đy nghiệt ngã. Tôi bồi hồi nhớ lại...

Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại Thanh Hóa trong một gia đình tá điền. Không được đến trường, chỉ học tại gia và được người cha (là một nhà nho nghèo) dạy dỗ, nhưng bù lại, Hữu Loan có tư chất rất thông minh. Khoảng năm 1938, Hữu Loan vác lều chõng ra Hà Nội đua tài và cùng một vài bạn hữu, ông đã thi đỗ trong một kỳ thi mà số người đậu thật hiếm hoi.

Có bằng tú tài năm 22 tuổi, một bằng cấp được coi là rất cao trong xã hội Việt Nam thập niên 30-40, Hữu Loan dạy Pháp văn từ 1939 và tham gia Việt Minh từ trước năm 1945. Ông từng tham gia cướp chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa tháng 8-1945 và được bầu làm chủ tịch lâm thời tại đây.

Khoảng thời gian 1946-1951, Hữu Loan theo Đại đoàn 304, tham gia đoàn văn nghệ kháng chiến. Nơi đây, ông có dịp gặp gỡ và làm việc dưới trướng “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn, một vị tướng am tường văn nghệ và rất yêu quý giới văn nghệ sĩ.

Phạm Duy, một bạn văn nghệ thời đó của thi sĩ hồi tưởng về ông: “Hữu Loan trông bề ngoài rất là oai, nhất là khi ngày ngày anh cưỡi ngựa đi công tác khắp Quân khu 4, trông rất oai nghiêm khiến tôi bái phục… Đầu húi cua, tiếng nói lớn, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn”.

Hữu Loan làm thơ không nhiều nhưng ông có một số bài được nhiều người thuộc, phản ánh tình cảm của con người trong kháng chiến như “Đèo Cả”, “Những làng đi qua”… Thơ của ông hào sảng, phóng khoáng, gân guốc, theo mạch “thơ thời đại”, gây cảm xúc mạnh nơi những người lính trong cảnh chiến chinh, loạn lạc.

Đặc biệt, nhắc đến Hữu Loan, ai cũng phải nghĩ đến “Màu tím hoa sim”, thi phẩm bi tráng, một bài ca lãng mạn và hào hùng, một tác phẩm kinh điển. Bài thơ ấy, cách đây 6 năm, đã được một doanh nghiệp trong nước mua bản quyền với giá 100 triệu đồng, với mục đích tôn vinh giá trị tinh thần của thi ca Việt Nam.

*
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh xanh.

“Màu tím hoa sim” gắn liền với mối tình huyền thoại của thi sĩ Hữu Loan với cô học trò kém ông 16 tuổi, đã được truyền tụng từ hơn nửa thế kỷ nay trong giới yêu văn thơ.

Bà Lê Đỗ Thị Ninh (ái nữ ông Lê Đỗ Hữu Kỳ, tổng thanh tra Bộ Canh nông xứ Đông Dương) mới 16 tuổi khi bà thành hôn với nhà thơ Hữu Loan, lúc đó là một chàng trai mẫn thiệp 32 tuổi.

Trước đó tròn 16 năm, cậu học trò Hữu Loan từng trọ học và ăn ở dài ngày tại gia đình thân phụ bà Ninh và chính tay cậu đã bế cô bé Ninh khi cô mới chào đời được vài ngày. Thấy cậu hiền lành, ông bà Kỳ còn nhận cậu làm con nuôi.

Thời gian trôi qua, 8 năm sau, trở lại gia đình ông bà Kỳ, chàng trai Hữu Loan được nhận làm gia sư cho cô Ninh và anh thương yêu cô như một người em gái nhỏ. Ngược lại, cô bé thấy và yêu mến ở chàng trai vẻ đĩnh đạc, cứng rắn và dạn dày sương gió.

Rồi Hữu Loan phải chia tay người em gái: “Cuối mùa đông năm ấy, tôi lên đường đi kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em cứ theo ra mãi tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… Lên đến bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim vẫy tôi. Tôi đi… Tôi quay đầu nhìn lại… Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn thấy em nữa”.

Lại 8 năm nữa trôi qua. Năm 1948, Hữu Loan trở lại Nông Cống tìm cô em bé nhỏ, như lời kể của ông: “Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều nhưng em không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã 16 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp. Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Đám cưới thật đơn sơ”:

Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo.

Cưới vợ xong, chàng trai Hữu Loan chỉ ở nhà được hai tuần rồi đi kháng chiến. Gần ba tháng sau, anh nhận được tin người vợ trẻ bị nước dữ cuốn trôi trong khi giặt giũ ngoài sông Nông Cống. Nhà thơ hồi tưởng:

“Em chết thật thảm thương! Hôm đó là ngày 29-5 âm lịch năm 1948. (…) Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn đời tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, hơn 60 năm qua, vẫn nằm sau thẳm trong trái tim tôi…

Nỗi đau ấy tôi phải giấu kín trong lòng. Tôi như một cái xác không hồn. Dường như nỗi đau càng bị kìm nén thì càng dữ dội hơn. May sao sau đó có đợt chỉnh huấn. Cấp trên bảo ai có tâm tư gì thì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong tôi được dịp bung ra. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những chuyện mộc mạc cứ trao ra”.

Niềm đau thương, xót xa trước cái chết của người vợ trẻ cộng với tâm cảm dồn nén của người lính nơi biên ải đã khiến Hữu Loan viết “Màu tím hoa sim” rất dễ dàng. Lời thơ tự sự dung dị, cảm xúc dâng tràn, ông đã có những vần thơ đẹp bậc nhất về tình cảm con người trong thời ly loạn:

Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương

Hình ảnh người lính không kịp về trước khi người thương yêu lìa đời được mô tả hết sức bi thương và mãnh liệt:

Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi

Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim

Ngày xưa
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Những dòng kết của thi phẩm hết sức thê lương, đầy ám ảnh và có cái gì ma mị:

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng;

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí.

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt.

(…)
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

40 năm sau, trong một bài viết mang tựa đề “Tự phỏng vấn” được viết trong bầu không khí có phần đổi mới ở Việt Nam, Hữu Loan nhớ lại: “Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm, bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều), được đăng công khai lần đầu tiên báo “Trăm hoa”. Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là “Trăm hoa” số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan”.

Hữu Loan, con người với cá tính mạnh mẽ và không bao giờ chịu khuất phục, trong sâu thẳm tâm hồn, lại thật đa cảm: các bạn văn của ông kể rằng chiếc bình hoa ngày cưới vẫn được ông gìn giữ và cho đến ngày mất, ngày ngày ông vẫn nhang khói cho người vợ quá cố.

            
         
        
         Mãi đến những năm 1993, ông thêm một đoạn ở cuối bài thơ. Gần 50 năm sau, lời thơ của ông vẫn ai oán như xưa:
         
"...Ai hát
         vô tình hay ác ý với nhau
         Chiều hoang tím
         có chiều hoang biết
         Chiều hoang tím
         tím thêm màu da diết. ..
         nhìn áo rách vai
         tôi hát trong màu hoa:
         "Áo anh sứt chỉ đường tà
         Vợ anh mất sớm. ..!
         Màu tím hoa sim tím
         Tình tang lệ rớm. ..
         Ráng vàng ma và sừng rúc
         điệu quân hành
         Vang vọng chập chờn
         theo bóng những binh đoàn
         biền biệt hành binh
         vào thăm thẳm chiều hoang màu tím...
         Tôi ví vọng về đâu
         Tôi với vọng về đâu?
         - Áo anh nát chỉ dù. .. lâu!
         
Phần thêm vào một thời cũng gây xôn xao, có những người thích phần thêm nhưng có người chỉ muốn bài thơ nguyên thủy đã ăn sâu vào tâm khảm. Hữu Loan giải thích rằng việc ông viết thêm chỉ để làm cho rõ thêm ý cuối bài.
         
Bài thơ đã được các nhạc sĩ miền Nam phổ nhạc. Phạm Duy nổi tiếng với bài "Áo anh sứt chỉ đường tà", còn Dzũng Chinh cũng đã phổ thành nhạc phẩm boléro "Những đồi hoa sim", Duy Khánh với bài "Màu tím hoa sim". Cho dù với  phong cách đối ngược nhau hoàn toàn, các bản nhạc đều được rất đông người biết đến.

       
 Trong những năm cuối đời, ông không bao giờ bước chân ra khỏi cổng nhà nữa. Mỗi ngày, ông ra chiếc võng trong vườn, nằm nhìn ngắm các cây cối xung quanh. Gần đây người con út của ông bắt đầu tìm cách sưu tầm lại các bài thơ còn thất lạc của ông, cũng có người đưa trả lại, nhưng chủ yếu do ông Hữu Loan nhớ ra và đọc lại. Không biết bao giờ tập thơ mới xuất bản và có kịp khi ông vẫn còn sống hay không, nhưng tên tuổi Hữu Loan cũng vẫn gắn chặt với Màu tím hoa sim, được xem như một trong những bài thơ tình đau thương nhất của thế kỷ 20.

Vào hồi 19 giờ ngày 18-3-2010, thi sĩ Hữu Loan, tác giả thi phẩm nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, thành viên phong trào Nhân văn – Giai phẩm, đã từ trần tại nhà riêng ở thôn Vân Hoàn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thọ 95 tuổi.



       

Tác giả: Nguyễn Thị Bình

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Clips
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay897
  • Tháng hiện tại14,861
  • Tổng lượt truy cập2,560,107
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

TB số 25/TB-PGDĐT

Ngày ban hành: 25/04/2024. Trích yếu: Trường học an toàn ...

Ngày ban hành: 25/04/2024

CV số 80/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 25/04/2024. Trích yếu: Kiểm điểm đánh giá XLCL...

Ngày ban hành: 25/04/2024

CV số 77/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: bảo đảm an toàn thông tin...

Ngày ban hành: 24/04/2024

KHPH số 109/KHPH-CAH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: kế hoạch phối hợp ...

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 75/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc TP

Ngày ban hành: 24/04/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây