Xếp gạch

Thứ sáu - 18/11/2011 12:53

6593813.jpg

6593813.jpg
Xếp gạch

      

 

Thầy bước vào lớp, vẫn chiếc áo sơ mi trắng và chiếc cặp da đen quen thuộc. Từ ngày đầu đến trường nhập học, con đã có cảm giác thầy là một ông giáo rất nghiêm túc, và thật lòng con hy vọng không phải học với thầy, vì con rất sợ những người khó tính. Cảm giác lúc ấy giống như cảm giác của Harry Potter lần đầu gặp giáo sư McGonagall. Con yên trí trong hai năm đầu, con đã được dạy bởi những giáo viên khác. Nhưng đến năm lớp Tám, giờ Văn học của con, thầy đã bước lên lớp. Kể từ đó, hình tượng một nhà sư phạm hoàn hảo bắt đầu hình thành trong con.

      Thầy có giọng nói trầm và ấm, giọng nói ấy tạo nên một cảm giác yên tâm trong con. Điều này hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ lúc đầu của con. Con ngồi nhìn thầy viết tên bài học, con quên rồi tên bài học đó là gì, nhưng con vẫn nhớ chữ thầy rất đẹp. Nét chữ nghiêng nghiêng rất đều, không bay bướm cũng không tẻ nhạt. Và con thích kiểu chữ ấy.

       Sang năm lớp Chín, con vẫn được học với thầy. Con lấy làm vinh dự vì được thầy dạy. Càng lấy làm tự hào khi giờ đây cả trường đều biết con là “đệ tử ruột” của thầy. Con luôn là đứa tập trung nhất khi thầy dạy, luôn là đứa hăng hái phát biểu nhất, là đứa chăm chỉ làm bài tập nhất, và đương nhiên điểm số cao nhất cũng thuộc về con, càng không có gì lạ khi con đại diện trường đi thi học sinh giỏi Văn và giành được giải thưởng.

       Điều gì đã khiến con làm được như vậy? Một chút máu văn chương trong người không đủ làm con trở thành “thần tượng văn chương” của trường như các bạn vẫn gọi. Người xưa vẫn nói “danh sư xuất cao đồ” - con làm được tất cả là nhờ thầy. Thầy luôn đứng trên bục giảng với lòng tận tuỵ. Không, tận tuỵ cũng chưa nói hết được tấm lòng thầy, sự mẫu mực, nghiêm túc trong giảng dạy, tình cảm trìu mến với học trò, thái độ trân trọng văn chương, và còn gì nữa nhỉ? Con không nhớ hết, mà có những điều nhớ nhưng không thể gọi tên…

       Năm cuối cấp, tuy bấy giờ không cần phải thi tốt nghiệp, nhưng thời điểm đó thầy đã cùng chúng con nỗ lực vượt qua những tháng ngày khổ học. Con cùng các bạn phải học bài, làm bài tập, làm kiểm tra, phải học tăng tiết, đến lớp sớm và ra về trễ. Đôi lúc chúng con thấy nản lòng, mệt mỏi, đã bật khóc khi “không qua khỏi” một bài kiểm tra. Cũng trong những tháng ngày ấy, một lời dạy của thầy, chân thành và giản dị, đã theo con mãi đến những tháng ngày sau này.

       - Các em có biết game “Xếp gạch” không? Người chơi chỉ cần xếp đầy các hàng ngang, đừng để có lỗ hổng nào là thắng điểm. Càng nhiều lỗ hổng càng nhanh chóng đi đến thất bại. Việc học cũng như vậy, các em phải học làm sao đừng để mình có bất kỳ lỗ hổng kiến thức nào, nếu có phải nhanh chóng lấp đầy, như vậy các em sẽ không có gì để sợ hãi cả.

         Con tốt nghiệp, đậu vào một trường cấp ba rất “chuẩn”, rồi học tiếp lên một trường đại học danh tiếng. Văn chương đã nâng cánh cho con bay vào bầu trời cao rộng, nhưng trong lòng luôn chất chứa một nỗi niềm day dứt: Từ đó đến nay, con chưa một lần về thăm thầy. Để mỗi năm, khi khắp đường phố bày bán đầy hoa hồng và những biểu ngữ chào mừng Ngày Quốc tế Hiến Chương các nhà giáo, con thấy mình mang nặng mặc cảm tội lỗi.

          Hôm nay, con lên phòng đào tạo trường đăng ký học cải thiện môn Tâm lý, gặp mấy đứa bạn hỏi con:

         - Bồ học lại môn gì à?

         - Ừ, mình cải thiện môn Tâm lý.

         Có đứa bảo:

         - Bà ơi, môn đó tui học hai lần rồi mà chưa đậu, bà qua rồi còn cải thiện làm gì?

        Con cười, biết giải thích thế nào cho các bạn, không lẽ nói “tui đang chơi trò xếp gạch”? Con biết mình hổng kiến thức Tâm lý nên điểm trung bình chỉ đạt 5.0, đậu nhưng như vậy không tốt đúng không thầy? Học lại một môn con ngán lắm chứ, nhưng đó cũng chỉ là một viên gạch nhỏ con xây cho đài học vấn của mình. Như vậy đã thấm vào đâu so với bao nhiêu năm dài thầy xếp từng viên gạch lát đường cho bao nhiêu thế hệ con thẳng tiến?

       Thầy ơi, dù nhiều năm đã trôi qua, dù con đã quên tên bài học đầu tiên thầy dạy, dù con bất hiếu không về thăm thầy, và dù thế nào đi nữa con vẫn nhớ mình phải cần mẫn xây từng viên gạch, không được để bất kỳ lỗ hổng nào trên bức tường mình xây, nếu không bức tường sẽ đổ. Con tin điều đó đúng không những trong học tập mà trong cả cuộc sống. Và tận đáy lòng, con muốn nói: Thầy ơi, con cảm ơn thầy.                 

                                               DUNG DUNG

Tác giả: Võ Thị Ngọc Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Clips
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay798
  • Tháng hiện tại35,389
  • Tổng lượt truy cập2,542,143
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

CV số 77/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: bảo đảm an toàn thông tin...

Ngày ban hành: 24/04/2024

KHPH số 109/KHPH-CAH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: kế hoạch phối hợp ...

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 75/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc TP

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 24/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 23/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện CT 31

Ngày ban hành: 24/04/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây